Những điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa Luật Giáo dục

Đăng lúc: 23:22:45 23/11/2017 (GMT+7)

5 điểm mới đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục

 5 điểm mới đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục
 
Sửa đổi về mục tiêu giáo dục, miễn học phí cho bậc trung học phổ thông, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc trung học cơ sở…
 
Đó là những điểm mới được bổ sung trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

1. Sửa đổi mục tiêu giáo dục

Mục tiêu giáo dục được quy định tại Điều 2, Luật Giáo dục năm 2005 như sau: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, mục tiêu giáo dục được có thêm yêu cầu “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.”

Cụ thể, mục tiêu giáo dục sửa đổi như sau: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.”.

Cùng với mục tiêu giáo dục, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng bổ sung các nội dung liên quan như phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên...

2. Miễn học phí cho bậc trung học cơ sở

Theo dự thảo, Luật Giáo dục sẽ được sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 105 như sau: “Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí”.

Việc miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến từ tháng 8/2016, tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017.<

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, học phí bậc trung học cơ sở không đáng bao nhiêu nhưng lại tạo tâm lý cho người học và phụ huynh. 

Cụ thể, học phí bậc trung học cơ sở cả nước thu mỗi năm hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này không nhiều khi chia ra cho 63 tỉnh thành.

Tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu lộ trình triển khai vấn đề này.
(Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

3. Lương nhà giáo xếp cao nhất 

Cũng theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Theo giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Tại khoản 6, mục 3, phần B, Nghị quyết 29 cũng đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục. 

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW.

4. Giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc trung học cơ sở

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung việc chia giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp  tiểu học và cấp trung học cơ sở. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.

Thời gian cho từng cấp học không thay đổi, vẫn là 5 năm cho bậc tiểu học, 4 năm cho bậc trung học cơ sở và 3 năm cho bậc trung học phổ thông.

5. Khuyến khích biên soạn nhiều loại sách giáo khoa

Theo Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, sách giáo khoa sẽ không chỉ có một bộ duy nhất và thống nhất như hiện tại mà sẽ có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân được khuyến khích biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành./.

Theo TTXVN
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
259064